Hiện nay, tài sản kỹ thuật số, tiền ảo hay tài sản mã hóa, tiền mã hóa chưa được ghi nhận chính thức trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào tại Việt Nam. Khái niệm tài sản tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 được tiếp cận theo cách truyền thống, có bao trùm tài sản kỹ thuật số, tiền ảo hay không còn đang có quan niệm khác nhau. Dưới góc độ ngân hàng, ngoại hối, tài sản mã hóa, tiền mã hóa không phải là tiền pháp định, không phải ngoại hối, không phải phương tiện thanh toán. Nghị định 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2016) về thanh toán không dùng tiền mặt, quy định tài sản kỹ thuật số, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán. Việc sử dụng tài sản kỹ thuật số, tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo pháp luật hành chính hoặc pháp luật hình sự. Ngoài ra, dưới góc độ pháp luật thuế, tài sản mã hóa, tiền mã hóa có phải là hàng hóa, dịch vụ hay không còn chưa rõ ràng, chưa đi vào bản chất.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng tài sản kỹ thuật số, tiền ảo là vấn đề mới, khó, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế nói chung, của Việt Nam nói riêng. Hiện có nhiều hướng tiếp cận, cách hiểu khác nhau dưới nhiều góc độ về vấn đề này. Cách ứng xử, khung pháp lý điều chỉnh của nhiều quốc gia cũng khác nhau. “Dù tiếp cận dưới góc độ nào thì mục đích cuối cùng vẫn phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan và phòng chống các rủi ro cho xã hội, người dân”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội thảo.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chỉ rõ, nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp đã nghiên cứu kinh nghiệm một số nước và quốc tế về tài sản kỹ thuật số, tiền ảo, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tế của Việt Nam về vấn đề này để đề xuất định hướng xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật về tài sản kỹ thuật số, tiền ảo. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy còn nhiều vấn đề phức tạp.

Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, hiện nay chưa có quan niệm thống nhất tài sản kỹ thuật số, tiền ảo cả nội hàm lẫn ngoại diện, trong khi thực tế đã và đang tạo ra nhiều loại sản phẩm phi truyền thống khác nhau bởi những công nghệ khác nhau, được sử dụng vào các mục đích khác nhau như tài sản mã hóa, tiền mã hóa, kim cương… Vì vậy, cần làm rõ nội dung, mối quan hệ giữa chúng với nhau và với tiền thật, tiền pháp định để nghiên cứu, đề xuất chính sách, xây dựng khung khổ pháp luật.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận chính sách pháp luật của một số nước rất khác nhau. Qua nghiên cứu bước đầu có 3 xu hướng: thả nổi, chưa quản lý, mặc dù có khuyến cáo những rủi ro liên quan; không thừa nhận và cấm sử dụng, giao dịch; cho phép sử dụng, giao dịch, đồng thời hướng dẫn các vấn đề liên quan và quản lý chặt chẽ khâu trung gian như sàn giao dịch, doanh nghiệp… Do đó, cần có thêm thông tin, kinh nghiệm quốc tế, gợi mở giải pháp phát huy mặt tích cực, giảm thiểu mặt tiêu cực để góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ an ninh quốc phòng, phòng chống rửa tiền, lừa đảo, trốn thuế.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, dù thực tế khung pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng nhưng tài sản kỹ thuật số, tiền ảo vẫn được giao dịch dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài việc mua bán, nhiều người còn thiết lập hệ thống máy tính, máy chủ để đào tiền mã hóa. Trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ việc lừa đảo gây mất trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cần có thêm thông tin về kinh nghiệm của các nước trên thế giới, quy định pháp luật về quản lý tài sản kỹ thuật số, đánh giá sự cần thiết trong việc xây dựng khung khổ pháp luật và gợi mở những vấn đề này cho Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các hoạt động quản lý liên quan đến tài sản kỹ thuật số, tiền ảo và hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản kỹ thuật số, tiền ảo, tiền điện tử, Bộ Tư pháp đã rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản kỹ thuật số, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện. Kết quả của Hội thảo sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu, tham khảo để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng để trình Thủ tướng Chính phủ

(nguồn Thanh tra Việt Nam)